LA PITIÉ – SALPÊTRIÈRE – INSTITUT DE CARDIOLOGIE



Năm 2015, thông qua chương trình DFMSA của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, được sự động viên từ PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, đồng thời với hậu thuẫn rất lớn từ gia đình, tôi may mắn được sang Paris học tập và làm việc 1 năm để nâng cao tay nghề. May mắn hơn, tôi được chọn vào một trong những trung tâm lớn nhất của Paris, cũng là của toàn nước Pháp, Hôpitaux Universitaires La Pitié Salpêtrière – Charles Foix, hay gọi tắt như các anh em tại đây là La Pitié. Với mục đích chia sẻ những gì đã được thấy và học tập, tôi viết bài này nhằm cung cấp những thông tin đơn giản nhất để những bạn có dự định sang Paris trong tương lai có thể lựa chọn và có cái nhìn sơ lược về bệnh viện này. 

1. Lịch sử hình thành:

- 1960: GS Christian CABROL thành lập đơn vị Phẫu thuật Tim, nằm trong khoa Phẫu thuật Tổng quát (Chirurgie Générale) của GS Gaston CORDIER.
- 7/1963: Ca phẫu thuật đầu tiên có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (Circulation Extracorporelle – CEC) để điều trị 1 bệnh nhân hẹp van động mạch phổi.
- 27/4/1968: Thực hiện ca ghép tim đầu tiên ở châu Âu và là ca ghép tim thứ 7 trên thế giới bởi Christian CABROL và Gérard GUIDAURON.
- 1972: Thành lập khoa Phẫu thuật Lồng ngực  – Tim mạch (Service de Chirurgie Thoracique et Cardiovasculaire).
- 1985: Đặt dụng cụ hỗ trợ thất trái đầu tiên.
- 2004: Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành toàn động mạch.
- 2006: Dụng cụ hỗ trợ thất trái dòng chảy liên tục Heartmate II.
- 2007: Thay van động mạch chủ qua da đầu tiên COREVALVE tại Pháp.
- 2010: Khánh thành phòng mổ hybride.



Hình 1: Giáo sư Christian CABROL, ảnh phải là équipe ghép tim đầu tiên tại Châu Âu (1968)

2. Cấu trúc của trung tâm:

Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực ban đầu nằm ở tầng 2 tòa nhà cấp cứu Gaston Cordier. Đến năm 2001 thì dời hẳn về tòa nhà mới với cái tên Viện Tim – Institut de Cardiologie, đến năm 2012, được nâng cấp thêm cánh phụ là cánh phía nam (L’aile Sud).



Hình 2: Tòa nhà Institut de Cardiologie


Tòa nhà Viện Tim gồm 5 tầng phía trên mặt đất và 2 tầng hầm, tầng hầm 2 có hệ thống nối với một số tòa nhà khác của bệnh viện nhằm tạo thuận lợi khi vận chuyển bệnh nhân, tránh tối đa vận chuyển ngoài trời, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tầng trệt (rez-de-chausée) được thiết kế cho khu phòng khám (Consultations) và bệnh viện trong ngày (Hôpital de Jour), đây cũng là nơi có phòng sinh thiết tim dành cho các bệnh nhân sau ghép tim, một trong những hoạt động mà tôi may mắn được tham gia trong suốt 1 năm học tập tại đây.


Hình 3: Sinh thiết tim tại phòng sinh thiết

Như tất cả các tòa nhà khác, tầng trệt có cổng riêng cho xe cấp cứu, đây là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng, cũng là nơi xuất phát của équipe ECMO ngoại viện hoặc équipe lấy tạng. Đơn vị vận chuyển các equipe thường là 360 degré, một công ty đặc trách vận chuyển y tế (transport médical), với những chiếc Citroen C5 và tiếng còi hụ đặc trưng. (http://www.360degresservices.com/)

Hình 4: Citroen C5 của 360 degré tại cổng cấp cứu

Tầng 1 của tòa nhà là Khu hồi sức Nội khoa (Réanimation médicale) với 18 giường và khu trại bệnh của khoa nội tim mạch. Cánh bắc của tầng 1 là khoa Hình ảnh học tim mạch và can thiệp tim mạch (Service de Radiologie cardiovasculaire et interventionelle) với 3 phòng can thiệp nội mạch, 2 máy CT và 1 máy cộng hưởng từ (IRM). Đây là nơi hội chẩn hình ảnh hàng tuần (thứ 3) của khoa Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch với GS Philippe CLUZEL, trưởng khoa Hình ảnh học với các trường hợp khó và đo đạc số liệu của các bệnh nhân thay van động mạch chủ qua da (TAVI).

Tầng 2 của tòa nhà là Khoa Nội Tim mạch (Service de Cardiologie Médicale) của GS Gilles MONTALESCOT  và 3 phòng thông tim và khu chăm sóc đặc biệt (Unité de Soins Intensifs de Cardiologie – USIC).

Tầng 3 là khu vực phòng mổ tim (bloc opératoire), hồi sức ngoại khoa (Réanimation chirurgicale) và đơn vị chăm sóc đặc biệt (Unité des soins intensifs - USI). Đây là khu vực làm việc chính của các bác sĩ phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê hồi sức. Có 7 phòng mổ tim hoạt động tại đây, trong đó có 1 phòng mổ nhiễm trùng (phòng 1 – salle ‘septique’), 1 phòng mổ dành cho đơn vị nhịp học (phòng 6), 1 phòng mổ hybride (phòng 7) và 4 phòng mổ tim tiêu chuẩn. Khoảng 25% số trường hợp phẫu thuật là cấp cứu (bóc tách động mạch chủ, phình động mạch chủ dọa vỡ - vỡ, bắc cầu động mạch vành, ghép tim, nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng cơ học, ECMO trung tâm…), 75% số trường hợp phẫu thuật chương trình (phẫu thuật van tim, bắc cầu mạch vành, phình động mạch chủ, đặt dụng cụ hỗ trợ thất trái, thay van động mạch chủ qua da, clip van 2 lá [MITRACLIP]…).


Hình 5: Phòng mổ Hybride tại Pitié - Salpêtrière

Hình 6: Mitraclip 

Khu hồi sức hiện đại với 18 giường trong 18 phòng (chambre) chia thành 3 đơn vị 1, 2 và 3, mỗi đơn vị đều có 1 BS gây mê hồi sức và 1 nội trú gây mê hồi sức cùng 6 điều dưỡng liên tục theo dõi. Đây là khu vực ưu tiên cho bệnh nhân vừa mổ xong. Sau khi bệnh nhân ổn định hơn sẽ được chuyển sang đơn vị chăm sóc đặc biệt (USI), tại đây có 12 giường chia thành 2 đơn vị, mỗi đơn vị có 1 BS nội tim mạch và 4 điều dưỡng theo dõi liên tục. Trong trường hợp khu hồi sức không đủ giường bệnh, những bệnh nhân phẫu thuật đơn giản, nhanh (van động mạch chủ, bắc cầu mạch vành) sẽ được chuyển thẳng sang đơn vị chăm sóc đặc biệt).

Hình 7: Trang bị của 1 phòng hồi sức

Hình 8: Các phòng hồi sức trong 1 đơn vị

Hình 9: Khu vực theo dõi tại trung tâm mỗi đơn vị


Tầng 4 tòa nhà là trại bệnh với 43 giường trong 43 phòng riêng, chia thành 2 cánh, cánh Bắc hay cánh chính (Batiment Principal) và cánh Nam hay cánh phụ (Batiment Complémentaire). Cánh bắc có 24 giường và cánh nam có 16 giường. Các bệnh nhân hậu phẫu ổn định và các bệnh nhân tiền phẫu sẽ được chăm sóc tại đây. Theo dõi bệnh nhân ở trại bệnh là các bác sĩ nội tim mạch, bác sĩ phẫu thuật sẽ đi buồng mỗi sáng (chef de clinique và nội trú) để nắm tình hình bệnh nhân và xem vết mổ.

Hình 10: Cánh chính của khu trại bệnh

Tầng 5 của tòa nhà là văn phòng của các các giáo sư, các bác sĩ phẫu thuật viên chính (Praticiens Hospitaliers – PH), và các bác sĩ ở mức thấp hơn mà tôi không biết nên dịch là gì nên để nguyên – Chef de clinique. Ở đây cũng có các hội trường sức chứa lớn để tổ chức hội nghị - hội thảo khi cần thiết.

3. Hoạt động của trung tâm:

Trong giới hạn của bài viết, tôi xin đề cập đến hoạt động phẫu thuật vì không có số liệu của Khoa Nội Tim mạch và Khoa chẩn đoán hình ảnh. 

Nhân sự của khoa: Đứng đầu là GS Pascal LEPRINCE, các bác sĩ phẫu thuật viên chính (Praticiens hospitaliers – PH) bao gồm: BS Guillaume LEBRETON, BS Akhtar RAMA,  BS Eleodoro BARREDA, BS Mojgan LAALI. 5 bác sĩ phụ mổ (Chef de clinique) và nội trú (số lượng thay đổi theo từng học kì).


Hình 11: Tác giả cùng BS Lương Ngọc Trung chụp ảnh với GS Pascal LEPRINCE và
 BS Guillaume LEBRETON tại Académie de Médicine

Là người đi học, bạn sẽ được phân công công việc gì? DFMSA thực sự vẫn được giao công việc như một nội trú (Faisant Fonction d'Interne - FFI), số lượng nội trú như đã nói ở trên, thay đổi theo từng năm. Nội trú tại Pitié thực sự là một nhóm 'đa quốc gia' (groupe international), năm tôi đi học có 2 người Pháp, 1 người Thụy Sĩ, 2 người Italie và 2 người Việt Nam. Công việc chính của nội trú ngoại khoa, như ở mọi nơi, là trong phòng mổ. Một ca mổ bao gồm phẫu thuật viên chính (PH), chef de clinique và nội trú. Vì lý do đó, nội trú thường được xếp phụ hai, bạn sẽ thấy khá nhàm chán khi mới bắt đầu. Tuy vậy, với 5 chef de clinique cho một trung tâm lớn như Pitié là không đủ, họ thường bị điều động đi khắp nơi, vì thế, nếu kĩ năng tốt, bạn có thể được GS giao công việc của chef de clinque trong phòng mổ cũng như ECMO ngoại viện. Khi bạn làm ở vị trí chef de clinique, các PH sẽ cho bạn cơ hội làm chính các miệng nối mạch vành, van động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua da... Đây là một cơ hội rất lớn cho các bạn nâng cao tay nghề, vì những PH ở Pitié thực sự là những bác sĩ phẫu thuật xuất sắc. Một công việc khác cũng không kém phần thú vị và cực nhọc, đó là trực gác (garde), bạn sẽ được giao một điện thoại nội bộ (Digital Enhanced Cordless Telephone -  D.E.C.T), và tất cả các nơi trong Insitut hoặc bệnh viện sẽ gọi đến số điện thoại này đầu tiên khi có vấn đề, cả nội hay ngoại khoa, nhiệm vụ của người trực là giải quyết các vấn đề nhỏ và báo cáo lại các vấn đề lớn hơn cho chef de clinque hoặc PH trực hôm đó. Các đêm trực ở đây thường là các đêm trắng, vì là 1 trong những trung tâm lớn nhất ở Paris, số lượng bệnh nhân cấp cứu cần ECMO hoặc phẫu thuật cấp cứu là rất lớn, bạn sẽ thường xuyên gặp bóc tách động mạch chủ, phình động mạch chủ dọa vỡ,  hẹp nặng thân chung động mạch vành trái (Tronc commun de l'artere coronaire gauche), ghép tim... Đây cũng là cơ hội để học tập chiến lược xử trí bệnh nhân. Những buổi trực cũng giúp bạn nâng cao đáng kể tiếng Pháp (nếu bạn cần) vì nghe bác sĩ người Pháp báo những vấn đề của bệnh nhân vào 2 giờ sáng là một việc không hề đơn giản. Trên đây là một  phần công việc, thử thách và lợi ích của một người nước ngoài đi học tại Pitié, tôi sẽ để các bạn tự khám phá thêm và xin tiếp tục với các hoạt động thường niên của khoa.

Hình 12: Một nội trú được chef de clinique hướng dẫn lấy động mạch ngực trong bên phải

Mỗi năm, khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch của Trung tâm mổ > 2000 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân người lớn với gần như tất cả các dạng bệnh lý tim mạch, 2/3 trong số đó là phẫu thuật có sử dụng máy tim phổi nhân tạo (CEC), phần còn lại là các trường hợp hỗ trợ tim (ECMO), thay van động mạch chủ qua da và phẫu thuật động mạch cảnh…

Hình 13: Số liệu phẫu thuật từ 2010 - 2013

Phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất là phẫu thuật van tim, chủ yếu là thay van động mạch chủ. Năm 2013, trung tâm đã thực hiện hơn 700 bệnh nhân, trong đó có 500 trường hợp thay van đơn thuần, 210 trường hợp van + bắc cầu động mạch vành, 60 trường hợp sửa van 2 lá và 110 trường hợp thay van động mạch chủ qua da (biểu đồ).

Hình 14: Số liệu phẫu thuật van tim 2010 - 2013

Hình 15: TAVI

Hình 16: Tác giả chụp ảnh cùng GS Jean-Philippe Collet, một trong những chuyên gia về TAVI

Loại phẫu thuật nhiều thứ hai được thực hiện là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, từ năm 2007 – 2013, có 3435 bệnh nhân được phẫu thuật, trong đó 2985 bệnh nhân là bắc cầu mạch vành đơn thuần và 900 bệnh nhân có phẫu thuật van tim đi kèm. Kĩ thuật được thực hiện là sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể có ngưng tim và dùng hai động mạch ngực trong kiểu chữ Y làm mảnh ghép.

Hình 17: Số liệu phẫu thuật bắc cầu mạch vành 2010 - 2013

Hình 18: Lấy động mạch ngực trong bên phải - Phẫu thuật bắc cầu mạch vành toàn động mạch

Nhắc đến Pitié – Salpêtrière thì không thể bỏ qua chương trình hỗ trợ thất trái và ghép tim. Duy trì truyền thống là nơi đầu tiên ghép tim tại châu Âu, Trung tâm Tim mạch tại đây luôn là một trong những đơn vị thực hiện nhiều ca ghép tim nhất nước Pháp. Năm 2015, bệnh viện thực hiện 100 trường hợp ghép tim, trung bình 2 ca/tuần, đây là 1 con số không hề nhỏ cho một trong những phẫu thuật phức tạp và đòi hỏi theo dõi, chăm sóc rất tốt để duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Đối với dụng cụ hỗ trợ thất trái, năm 2013, Trung tâm đã thực hiện 9 trường hợp tim nhân tạo toàn bộ (Coeur artificiel total – Cardiowest), 49 trường hợp hỗ trợ thất trái (18 Heartmate II, 5 Jarvik và 17 Heartware).

Hình 19: Số liệu phẫu thuật đặt máy hỗ trợ tim

Hình 20: Số liệu ghép tim từ 2004 - 2012

Hình 21: Số liệu ghép tim của Pitié – Salpêtrière so với các trung tâm khác

Như vậy có thể thấy Trung tâm Tim mạch của  bệnh viện Pitié – Salpêtrière là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn nhất nước Pháp với bề dày lịch sử lâu đời cùng équipe mạnh và trang thiết bị đầy đủ. Tôi đã rất may mắn được đến học tập và làm việc tại đây trong 1 năm, tuy không dài nhưng cũng giúp mở rộng tầm mắt và hiểu biết. Như đã nói trên, bài viết nhằm chuyển tải những điểm chính yếu nhất cho các bạn có dự định sang Pháp học tập và nâng cao tay nghề tham khảo, vẫn còn rất nhiều thiếu sót, mong các anh chị và những người đi trước đóng góp bổ sung thêm.



BS VÕ TUẤN ANH

Comments